3 bước học tiếng Đức hiệu quả với kế hoạch cụ thể

3 cách học tiếng Đức hiệu quả với kế hoạch cụ thể

Ở bài viết này, tôi sẽ hướng dẫn bạn xây dựng chiến lược học tiếng Đức sao cho hiệu quả và phù hợp nhất qua 3 bước.


Life is too short to learn German.

“Cuộc đời quá ngắn để học tiếng Đức”
Oscar Wilde


Nếu bạn đã học tiếng Anh 12 năm mà không hiệu quả thì việc học tiếng Đức liệu có khả quan hơn? Bạn hãy tự trả lời sau đọc bài viết này nhé!

Chấp nhận được thì làm thôi.

Bắt tay vào học đến khi thi đỗ A2 đã là gần năm, nhưng để từ A2 lên B1 tôi chỉ mất hơn một tháng.

Tại sao lại như vậy?

Tôi nhìn lại thấy tiếc vì đã tốn khá nhiều thời gian để “làm quen“ với ngôn ngữ này. Sự khác biệt này là do tôi đã lên kế hoạch học tiếng Đức như một dự án nghiêm túc. Và tôi đã thực hiện được nó và đạt mục tiêu.

Khi tôi bắt đầu học tiếng Đức, tôi thường mang tiếng Anh ra so sánh với tiếng Đức. Tại sao lại như vậy, chính tôi cũng không biết được và càng làm vậy thì lại khiến tôi nản vì tiếng Đức quá khác.

Riêng việc học chia động từ theo từng ngôi trong tiếng Đức đã thật rắc rối…

Nhưng khi tôi chấp nhận sự khác biệt của tiếng Đức là vì bản thân nó đặc biệt như thế thì mọi chuyện lại hoàn toàn khác, rất thú vị.

Và tôi ở đây để chia sẻ điều mà tôi học được không chỉ là thêm một ngôn ngữ.

Để học được tiếng Đức, bạn phải chấp nhận hiểu quy tắc của nó không thì nghỉ.

Đừng vì lười tự học mà chọn nhanh một trung tâm Tiếng Đức, hay thu thập một kho tài liệu miễn phí rồi lúc đọc lúc “xếp xó”.

Đã đến lúc bạn coi việc học Tiếng Đức như một dự án chính bạn phải là người quản lý và thực hiện.

Nếu chính bạn không quản lý tốt thời gian thì cả cuộc đời đúng là quá ngắn để học được tiếng Đức đấy!

Dự án của bạn gồm những giai đoạn nào? Mỗi giai đoạn cần những nguồn lực gì, phải thực hiện những đầu việc nhỏ nào?

Trước khi lên được lộ trình cụ thể của dự án, các bạn hãy thực hiện bước đầu tiên: vạch ra mục tiêu, thời gian và ngân sách cho dự án này. Tôi đã học được điều này từ một giáo viên dạy tiếng Anh lâu năm.

1. Đặt ra mục tiêu cụ thể của việc học tiếng Đức

Bạn hãy tự hỏi mình rằng: Tiếng Đức phục vụ cho công việc gì của bạn?

  • Thi cử? Bạn thi chứng chỉ A2, B1, B2 hay cao hơn nữa?
  • Học tập? Bạn viết bài nghiên cứu, viết bài luận, hay thu thập tài liệu nước ngoài?
  • Công việc? Bạn là hướng dẫn viên du lịch hay có làm việc với đối tác người Đức?
  • Phát triển bản thân? Bạn muốn học thêm một ngôn ngữ mới, để đọc tạp chí nước ngoài, đi du lịch hay giao tiếp tốt với người nước ngoài?

Bạn đặt ra mục tiêu càng cụ thể, bạn càng có cơ hội tiến gần hơn tới nó.

2. Xác định “deadline” cho việc học tiếng Đức

Hãy coi đây là một nhiệm vụ cần hoàn thành trước một deadline cụ thể.

Khi nào bạn sẽ cần làm được những mục tiêu kể trên?

3 năm, 1 năm hay 6 tháng – dù quỹ thời gian của bạn nhiều hay ít, cũng đều sẽ có cách giải quyết.

  • Chuyện thi cử luôn có deadline, nên bạn sẽ xác định khá dễ dàng. Chỉ cần đừng quá chủ quan đợi “nước tới chân mới nhảy”, và cũng đừng quá hoảng loạn.
  • Chuyện học tập cũng thường có sẵn deadline. Bao giờ bạn sẽ phải phỏng vấn, hay chuẩn bị hồ sơ du học. Bạn biết bạn còn chính xác bao lâu để trau dồi tiếng Đức.
  • Chuyện công việc thường chỉ có 2 deadline: 1 là ngay bây giờ, 2 là không bao giờ. Nếu bạn chọn phương án 1, bạn sẽ đạt nhiều kết quả tốt trong công việc. Nếu bạn chọn phương án 2, chuyên môn dù vững cũng chưa chắc bạn thăng tiến được như mong muốn.
  • Chuyện phát triển bản thân thường không có deadline nào. Bạn buộc phải tự giác chia nhỏ thành nhiều giai đoạn, và tự gắn deadline cho mình. Bạn có thể nhờ bạn bè và người thân giúp nhắc nhở và chứng kiến.

Tóm lại, deadline càng cụ thể, bạn càng có động lực chinh phục nó.

3. Cân nhắc khoản “đầu tư” phù hợp cho việc học tiếng Đức

Để đạt được mục tiêu nào thì bạn cũng phải thực sự đầu tư vào nó.

Nhiều hay ít, điều này phụ thuộc vào mục tiêu và nguồn lực hiện có của bạn.

Để đạt được mục tiêu viết bài luận về động lực du học có thể bạn sẽ cần chi nhiều hơn so với việc học để đọc được tạp chí nước ngoài.

Deadline thi chứng chỉ cận kề, có thể bạn sẽ cần chi nhiều hơn để kịp ôn luyện “hoả tốc” trong thời gian ngắn.

Nếu là người mới bắt đầu, hoặc người mất gốc, có thể bạn sẽ cần chi nhiều hơn (cho các khoá học, tài liệu học) so với những người đã có kiến thức nền tảng (tự học được dựa trên các tài liệu có sẵn).

Và một điều quan trọng nữa: ngừng lười biếng đi, thời đại nào rồi mà không biết hai, ba ngoại ngữ.

Một khi quyết định đầu tư, bạn sẽ thấy quý trọng tiền bạc, thời gian và chất xám của mình để ngưng lười biếng. Bởi vậy, đừng ngại đầu tư, nhưng hãy đầu tư sao cho phù hợp với mục tiêu và nguồn lực của mình. Quyết định là của bạn, hãy có trách nhiệm với nó.

Và đối với các bạn mới bắt đầu có ý tưởng về việc học tiếng Đức, hãy ngừng đặt câu hỏi “tiếng Đức có khó không?” hay “học tiếng Đức mất bao lâu để lên được B1?”, mà hãy tự lên kế hoạch học tiếng Đức cho mình và bạn sẽ tự có câu trả lời cho mình.

Chúc bạn thành công!

No Responses