Chào bạn! Chào mừng bạn đến BLOG LỚP HỌC TÍCH CỰC!

Tôi là Thùy Dung – Th.s – Giáo viên Toán – người tạo ra blog LỚP HỌC TÍCH CỰC này.

Tôi tin là mỗi người chúng ta đều có những khả năng riêng nhưng chương trình học ở trường không phải phù hợp cho tất cả học sinh. Vì thế, thay vì học một cách gượng ép, nếu có thể hãy tự mình khám phá kiến thức theo cách của mình.

Khi tôi bắt đầu dạy Toán, tôi đã thấy học sinh của mình gặp nhiều khó khăn khi giải toán, muốn tự học nhưng chưa biết nên làm thế nào, không biết cách học như thế nào để áp dụng lí thuyết vào bài tập.

Thực tế là từ hồi cấp hai, tôi cũng vậy. Yếu Toán nên cực sợ môn Toán. Đến khi cô giáo tôi – Cô Huyền – người chỉ ra từng chút vấn đề của tôi, tôi đã vực dậy được. Tôi giờ cũng làm giáo viên Toán như cô giáo tôi, muốn giúp học sinh hiểu ra và khắc phục được vấn đề của họ. Giờ cô trò tôi vẫn giữ liên lạc dù cô và gia đình đã định cư bên Mĩ.

Tôi mong muốn giúp học sinh của mình thực sự được học với sự tò mò, khám phá, thích thú và vui vẻ chứ không “phải học” để như con nhà người ta, bị ép ngồi hơn 8 tiếng một ngày để “nhồi kiến thức” hay để luyện thành “thợ giải toán”. Vì môn Toán học như vậy chả có tác dụng gì.

Tôi học để dạy Toán tiếng Anh từ hồi còn học đại học, nhưng khi đó là tự học chứ không được dạy chính thống trong trường, thầy cô giảng viên trong trường lúc ấy mới ngấp nghé triển khai giới thiệu về thuật ngữ toán bằng tiếng Anh.

Nhưng tôi đã tự học được rất nhiều. Và mục đích học là để hiểu xem, nước ngoài người ta dạy học như thế nào, cùng một vấn đề người ta tiếp cận học sinh như thế nào, có những hoạt động gì cho lớp học vui vẻ hơn, không quá nặng lí thuyết.

Công việc gắn liền với Toán tiếng Anh bắt đầu từ việc dạy đội tuyển HSG Toán của trường THCS CLC Nam Từ Liêm thi APMOPS (Asia Pacific Mathematical Olympiad for Primary Schools) là kì thi Toán châu Á Thái Bình Dương và đội tuyển thi HOMC (Hanoi Open Mathematics Competition).

Kết quả lúc ấy chưa cao, chỉ mới có 1 huy chương Vàng, 1 Bạc và 2 Đồng nhưng cũng đánh dấu mốc cố gắng, nỗ lực đầu tiên của cả cô và trò.

Tiếp theo đó, tôi được thầy Đặng Minh Tuấn – CEO của UberMath – một người thầy đầy nhiệt huyết với Toán tiếng Anh, thầy đã giúp đỡ, tận tình chỉ bảo, cho cơ hội thực hành, giảng dạy Toán tiếng Anh tại UberMath.

Ví dụ trong tiết dạy về hình khối 3D Nets of 3D shapes – một phần học hình cực thú vị, các bạn nhỏ thì được in sẵn ‘net’ (các mặt được trải phẳng) của hình lập phương để cắt và gập rồi dán lại tạo ra hộp lập phương, các bạn lớn thì tự mình vẽ và trang trí cho hình lập phương của mình.

Được như vậy, các bạn cực kì hứng thú, tích cực tham gia cùng nhau và trong quá trình đó, các bạn hiểu được tác dụng của ‘net’ là để làm gì (để tạo ra các hộp đựng sản phẩm như ngũ cốc, hộp sữa, … – đằng sau đó là cả một nền công nghiệp bao bì).

Sản phẩm thực hành trong tiết học Nets of shapes

Ngoài ra, việc nhìn ‘net’ của hình 3D để đoán ra hình khối của nó sau khi gập sẽ như thế nào, sẽ giúp các bạn nhỏ phát triển khả năng tưởng tượng, hình dung về hình khối cực tốt. Ví dụ khi học về CUBE (hình lập phương):

Học Toán là để phát triển tư duy, suy nghĩ của bạn, giúp bạn giải quyết vấn đề thực tế sau này bạn gặp phải. Nhưng không phải ai cũng hiểu và cứ hỏi học toán để làm gì, có áp dụng vào đâu ngoài cộng trừ nhân chia… Cái tư duy mà việc học và làm toán sẽ tôi luyện cho bạn là kết quả theo bạn đến suốt cuộc đời.

Tôi tin là rất nhiều bậc phụ huynh trước đây cũng gặp những vấn đề tương tự với một môn học nào đó. Theo kinh nghiệm dạy và học của mình, tôi nghĩ rằng việc học nên là việc mà học sinh chủ động làm, còn làm thế nào thì rất cần sự định hướng và giúp đỡ của giáo viên.

Nhưng trong lớp, sĩ số quá đông, cộng thêm sự ngại ngùng, sợ sai, sợ người khác đánh giá mình kém cỏi khi cần sự giúp đỡ, và giáo viên trên lớp cũng cực kì bận rộn với rất nhiều lớp, giáo án, sổ điểm, sổ ghi đầu bài… Rất khó để quan tâm cho riêng bất cứ học sinh nào.

Cách tốt nhất là tự mình khám phá kiến thức. Và bạn sẽ cần một người dẫn đường. Bạn có thể chọn tôi. 🙂

Tôi viết blog về những kiến thức và cách làm các dạng toán nhằm giúp các bạn học sinh phần nào đó hiểu và tự học cách giải toán, từ đó định ra cho chính mình phương pháp học hiệu quả.

Phương pháp này sẽ đi theo bạn trong suốt quá trình học và làm việc sau này, kể cả trong cách tư duy, suy nghĩ về một vấn đề nào đó cụ thể chứ không chỉ là các bài toán.

Ngoài ra, ở blog này, tôi còn muốn chia sẻ kinh nghiệm học ngoại ngữ (tiếng Anh, tiếng Đức) của mình. Mỗi khi học một ngôn ngữ, tôi lại có thêm kiến thức, trải nghiệm về đất nước và con người nơi đó cũng như có thêm bạn bè nước ngoài.

Chúc bạn thành công trên con đường khám phá tri thức!

Dung Nguyễn Thùy